Đi lại là một trong những khó khăn lớn nhất với những người mới đến Canada nói chung và Toronto nói riêng. Đặc biệt với các gia đình chưa biết lái ô tô hoặc chưa có bằng lái ô tô ở Việt Nam được 1 năm trở lên, bạn phải chuẩn bị tinh thần đi lại bằng phương tiện công cộng trong ít nhất 8 tháng – 1 năm đầu tiên.

Hãy tưởng tượng trời bão tuyết -30 độ và bạn phải đứng bế con ngoài trời chờ xe bus đến 20 phút, rồi đến phút cuối cùng nhận được thông báo là chuyến bus đó bị cancel do thời tiết xấu. Mình đã từng trải quá cảm giác đó. Đó là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất ở Canada đối với mình và gia đình. Làm sao để giảm tối thiểu những khó khăn trong việc đi lại ở Toronto? Trước hết bạn phải hiểu về hệ thống giao thông của thành phố này, và học từ những bài học “xương máu” của mình.

Phương tiện công cộng ở Toronto

Hệ thống giao thông ở Toronto giống như một anh chàng khổng lồ, dù được thiết kế quy củ và khoa học, nhưng mỗi bước đi của anh ta khá nặng nề và chậm chạp, một phần vì thành phố này quá lớn, một phần khác vì số lượng người lưu thông rất đông đúc, đặc biệt là giờ đi làm/đi học. Một trong những câu chào hỏi thường ngày của người dân Toronto mà mình hay gặp là phàn nàn về TTC. Nhưng đối với một đứa đến từ một đất nước giao thông láo nháo, tắc tường khói bụi là chuyện thường ngày thì mình thấy như vậy vẫn còn tốt chán 😊

Phương tiện công cộng ở Toronto – thường được người ta gọi tắt là TTC (Toronto Transit Commission) dù được thiết kế rất khoa học và dễ dùng, nhưng khá “già” và ì ạch. TTC bao gồm 3 loại phương tiện giao thông công cộng nhưng chung một phương thức thanh toán.

SUBWAY – Tàu điện

Tàu điện TTC - Subway

Tàu điện – Subway TTC

Tàu điện chạy cả trong đường hầm và trên mặt đất. Có tất cả 4 line; trong đó có 2 line chính (màu vàng và màu xanh lá cây) được xem là hai line chính của cắt ngang và dọc thành phố. Cách định hướng đi tàu điện là xem ga bạn cần đến là hướng Đông hay Tây (West – East) đối với line xanh và Bắc hay Nam (North or South) đối với line vàng để lên tàu. Thông thường tàu điện chạy từ 6h sáng đến 1.30 đêm.

Để vào tàu điện ngầm, bạn phải vào Subway station – bến tàu – thường nằm dưới tầng hầm của các tòa nhà lớn. Bên trong bến tàu như thế này.

Bến tàu điện – Jane Station

BUS – xe buýt

Xe bus TTC

Xe bus TTC

Ngoài những tuyến giao thông chính di chuyển bằng tàu điện, các đường nhánh nhỏ hoặc xa hơn được bao phủ bởi hệ thống xe bus. Xe bus đi chậm và dừng nhiều lần hơn nên khá tốn thời gian.

Bến đợi xe bus và cách đọc biển báo xe bus

STREETCAR – Xe điện

Xe điện – StreetCar TTC

Hệ thống xe điện chạy bằng đường ray, chạy nổi trên đường cùng xe hơi. Xe điện chạy chủ yếu trong Downtown, khá hạn chế về tuyến đường và điểm đỗ, được xem là một nét đặc trưng của Toronto do được xây dựng từ những năm 50.

Dưới đây là bảng giá hiện tại của TTC:

Adult Senior (65+) /
Youth (13-19)
Cash
Single fare 
purchase
$3.25 $2.30
Tickets One-ride ticket $3.25
Two-ride ticket $6.50
Day pass ticket $13.50
PRESTO $3.25 $2.25
TTC Monthly
Pass
$156.00 $128.15
12-Month Pass $143.00 $117.45

Trẻ em dưới 12 tuổi được đi miễn phí. Học sinh (có thẻ học sinh) và người già từ 65 tuổi trở lên được mức giá ưu đãi hơn.

Xem bảng giá cập nhật mới nhất ở đây https://www.ttc.ca/Fares_and_passes/Prices/Prices.jsp

Phương thức thanh toán của hệ thống của TTC

Presto


Thẻ Presto hiện nay là phương thức thanh toán phổ biến và thuận tiện nhất. Nó giống như ví tiền để đi TTC của bạn. Bạn cần nạp tiền vào thẻ, rồi mỗi khi lên TTC thì “tap” – áp thẻ vào đầu đọc của hệ thống. Cửa tàu sẽ mở và sẽ tự động trừ tiền vé trong thẻ của bạn.

Token/ ticket


Là hình thức mua các token (hình xu tròn). Mỗi lần dùng TTC các bạn sẽ phải thả 1 Token vào hộp của họ. Mỗi lần bạn phải mua tối thiểu 3 token.

Ngoài hai cách thanh toán trên, bạn có thể trả tiền vé bằng Cash – Tiền mặt / Metro Pass – Vé tháng. Tuy nhiên hai cách này bất tiện và đang dần bị tiến tới loại bỏ nên mình sẽ không mô tả nhiều.

Một số điểm chú ý với TTC:

  • Khi lên các phương tiện TTC, các bạn để ý sẽ thấy 2 loại ghế: ghế màu đỏ và ghế màu xanh. Ghế màu đỏ thì dành cho tất cả mọi người. Ghế màu xanh còn được gọi là ghế ưu tiên chỉ dành cho người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc phụ nữ có bầu/con nhỏ. Khi không có người cần ưu tiên các bạn có thể ngồi ghế xanh, nhưng phải sẵn sàng nhường lại ghế đó nếu họ xuất hiện.
  • Cách để sử dụng TTC thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất là Cài app GOOGLE MAP hoặc TTC WATCH FOR TORONTO để xem tuyến đường và căn thời gian TTC đến để không phải chờ đợi quá lâu khi thời tiết không thuận lợi.

 

Học lái xe ô tô

Với mạng lưới phương tiện công cộng dày đặc, update từng phút trên google map, về cơ bản là bạn có thể đi đến mọi nơi trong thành phố với một chiếc smart phone và $3 trong túi. Tuy nhiên hãy chuẩn bị tinh thần vì mỗi lần di chuyển bằng bus hay tàu điện sẽ chiếm khá nhiều thời gian trong ngày của bạn. Vậy nên, nếu bạn có kế hoạch sống ở đây, điều đầu tiên cần làm là thi bằng lái, và mua ô tô.

Thông tin về bằng lái và quy trình lấy bằng lái các bạn xem tại đây.

Về cơ bản, nếu bạn đã có bằng lái ô tô được 1 năm trở lên thì khi sang Canada bạn chỉ cần thi bài thi lý thuyết và thi thực hành, nếu đỗ qua cả hai kì thi bạn sẽ được lái ô tô luôn. Thời gian đầu bạn có thể tính đến chuyện chuyển bằng lái qua bằng quốc tế để đc lái ngay ở Ontario ngay trong 3 tháng đầu.

Còn nếu bạn chưa biết lái xe hoặc mới có bằng (dưới 2 năm) thì chặng đường của bạn sẽ gian nan hơn rất nhiều. Bạn sẽ phải thi lý thuyết G1, rồi chờ 1 năm để thi thực hành, rồi mới được quyền lái ô tô ở Ontario.

Dù bạn rơi vào trường hợp nào, việc phải trải qua kì thi lý thuyết lái xe cũng là bắt buộc. Vậy nên nếu có thời gian ở Việt Nam, bạn nên download bộ đề học lái xe (G1) để học trước rồi khi sang đến Canada có thể thi ngay.

Mình thi G1 lần đầu đỗ ngay, và mình chỉ học một bộ đề trong quyển sách này – (các bạn có thể mua ở Canadian Tire)

Sau khi thi đỗ G1, chính phủ sẽ cấp cho bạn Bằng lái G1 và tấm bằng này được coi là ID của bạn ở Canada. Đây cũng chính là lí do mọi người nên thi G1 ngay khi đến Canada – để khỏi phải mang hộ chiếu và giấy tờ chứng minh địa chỉ đi rong ruổi khắp nơi.

Phải 1 năm sau khi đỗ G1, bạn mới được quyền đăng kí thi G2 – tức là bài thi thực hành Drive Test. Trong 1 năm đó, bạn phải tìm thầy dạy Lái xe có bằng cấp (license) để học lái xe. Mức học phí với Instructor nói tiếng Việt hiện nay ở Toronto là cỡ $35-$40/h hoặc $700 trọn gói bao đỗ. Bạn không cần có xe vì thầy sẽ tập lái cho bạn bằng xe của thầy. Điều đặc biệt là ở Canada bạn không học lái trong trường lái, mà thực hành ngay ngoài đường (khá là shock đối với đứa lần đầu lái xe như mình).

Các bạn nữ yên tâm về vụ học và thi lái xe nhé. Nếu không đủ khả năng và kinh nghiệm để lái xe an toàn thì khi đi thi họ sẽ đảm bảo là bạn không thể pass được kì thi lái xe. Vậy nên cứ học nghiêm túc, đi thi bình tĩnh tự tin. Mình trượt kì thi G2 đến 3 lần và chỉ đỗ khi thi lần thứ 4. Và sau đó mình đã tự tin lái xe đi lại khắp nơi rồi.

TỰ DO MUÔN NĂM!!!!