Canada không hề lạnh lẽo như tôi tưởng. Ngược lại, đất nước này chào đón chúng tôi thật nồng nhiệt với trời thu tháng 10 đẹp rực rỡ với sắc đỏ sắc vàng của lá phong, với cái nắng vàng ruộm, trời xanh, mây trắng và đặc biệt là không khí trong lành mà tôi cảm nhận được rõ rệt trong từng hơi thở. Nhưng ấm áp và bất ngờ hơn cả đối với chúng tôi là tình người mà chúng tôi nhận được từ những người bạn Canada, những người đồng hương chưa từng một lần gặp mặt mà sẵn lòng giúp đỡ bao bọc chúng tôi như người thân trong gia đình. Không biết từ khi nào, đất nước này trong con mắt của ba kẻ mới đến, trở nên thân thuộc, ấm áp lạ thường.
Hai tuần đầu ở Canada của chúng tôi tràn đầy cảm giác hưng phấn và phê pha, một phần vì được thỏa những háo hức mong chờ bấy lâu, một phần nữa vì bị… jetlag và sự thay đổi về múi giờ sinh hoạt. Dù một ngày của chúng tôi chỉ kéo dài từ 3h đêm đến 1h trưa (còn lại là ngủ mê mệt), cả gia đình cũng không quên nhiệm vụ, dắt díu nhau vừa đi đăng kí các thủ tục hành chính đầu tiên vừa khám phá đất nước xinh đẹp này.
Cũng nhờ có gia đình anh chị chủ nhà tốt bụng sẵn lòng giúp đỡ và chỉ dẫn, giai đoạn chuyển giao của chúng tôi diễn ra rất suôn sẻ. Mỗi ngày trôi qua thật nhanh bởi chúng tôi liên tục được học những điều mới, trải nghiệm một cuộc sống, một nền văn minh khác hẳn với những gì tôi từng trải nghiệm ở Việt Nam.
Một số ấn tượng chung về đất nước Canada:
Đa sắc tộc
Bước lên tàu điện ngầm (phương tiện đi lại công cộng thông dụng nhất ở trung tâm Toronto), lạ thay ba kẻ da vàng chúng tôi không hề thấy lạc lõng hay khác biệt, bởi lẽ xung quanh chúng tôi là những con người Canada mang đủ màu da, vàng trắng đen, tóc vàng tóc đen tóc nâu, nói đủ thứ ngôn ngữ. Không ai đánh giá bạn qua ngoại hình, và trẻ con nơi đây được nuôi dạy để luôn đề cao sự bình đẳng, tôn trọng tất cả mọi người xung quanh, không phân biệt sắc tộc. Đây cũng là điều khiến chúng tôi thấy lựa chọn Canada làm quê hương thứ hai thật đúng đắn.
Di chuyển
Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất đối với tất cả những người lần đầu đến Canada. Với mạng lưới phương tiện công cộng dày đặc, update từng phút trên google map, về cơ bản là bạn có thể đi đến mọi nơi trong thành phố với một chiếc smart phone và $3 trong túi. Tuy nhiên hãy chuẩn bị tinh thần vì mỗi lần di chuyển bằng bus hay tàu điện sẽ chiếm khá nhiều thời gian trong ngày của bạn. Tôi có cảm tưởng như hệ thống giao thông nơi đây giống như một anh chàng khổng lồ, dù được thiết kế quy củ và khoa học, nhưng mỗi bước đi của anh ta khá nặng nề và chậm chạp, một phần vì thành phố này quá lớn, một phần khác vì số lượng người lưu thông rất đông đúc, đặc biệt là giờ đi làm/đi học. Vậy nên, nếu bạn có kế hoạch sống ở đây, điều đầu tiên cần làm là thi bằng lái, và mua oto. Khá may là bạn chồng tôi có oto, và kinh nghiệm lái xe nhiều năm ở Việt Nam, nên chúng tôi đã sớm mua oto và có thể đi lại dễ dàng thuận tiện hơn ở Toronto. Chuyện thi bằng lái và mua oto tôi sẽ kể vào một dịp khác 🙂
Phúc lợi xã hội
Có lẽ không cần phải nói, ai cũng biết đây là điều tuyệt vời nhất đưa Canada trở thành một trong những đất nước đáng sống nhất trên thế giới. Yếu tố CON NGƯỜI luôn được coi là quan trọng nhất. Y tế, giáo dục đều miễn phí, các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức cộng đồng nhiều như nấm và hoạt động nhiệt tình để đảm bảo người dân được quan tâm và được hưởng cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp nhất. Ngân sách chính phủ được dành phần lớn cho phúc lợi xã hội, đặc biệt là cho sự phát triển của thế hệ tương lại. Ví dụ như với gia đình tôi hiện nay mỗi tháng chính phủ Canada trợ cấp cho bạn Lơ $650 tiền sinh hoạt + $1200 tiền học. Thành ra bạn Lơ là người đầu tiên có thu nhập trong gia đình, và bạn cũng phần nào nuôi bố mẹ 😉Cảm ơn Canada 😛
Giáo dục
Ở đất nước này, giáo dục có lẽ là thứ đắt đỏ nhất (sau nhà đất), nhưng cũng đáng tiền nhất. Ngay khi đến Canada, chúng tôi phải tìm hiểu ngay về trường lớp cho bạn Lơ. Ở Việt Nam, sau rất nhiều nỗ lực cho bạn Lơ đi học từ trường tư, trường công, trường Montessori dù nổi tiếng hay đắt đỏ nhường nào, chúng tôi cũng thất bại, bởi bạn Lơ từ chối đến trường và bởi bạn liên tục ốm. Tuy nhiên, chính tôi cũng bất ngờ bởi bạn ấy đồng ý đi học, và nhanh chóng hòa nhập với các bạn đồng lứa nơi đây chỉ một hai tuần sau khi tôi cho bạn đi học ở một daycare tầm trung ở Canada (học phí $55/ngày). Những gì giáo viên ở đây dạy bạn ấy cũng thật phi thường, từ một cậu bé 3 tuổi chưa biết tự làm gì cho bản thân, không hiểu tiếng anh, hoàn toàn xa lạ với nếp sống ở một đất nước mới, chỉ sau 4 tháng, bạn Lơ đã biết tự ăn, đổ rác vào thùng sau khi ăn, tự đi vệ sinh và xả nước, rửa tay xà phòng, biết tự mặc quần áo, đi giày và hơn nữa là bạn đã nói chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh trôi chảy bằng tiếng anh. Bạn Lơ tự lập hơn, ăn uống ngoan hơn, khỏe mạnh, tự tin và mạnh dạn hơn rất nhiều. Đây có lẽ là thành tựu lớn nhất đối với một bà mẹ đã từng cảm thấy bất lực trong việc tìm trường cho con khi ở Việt Nam như tôi.
Vấn đề lớn nhất ở Việt Nam của chúng tôi được giải quyết một cách nhanh chóng và đơn giản như thế đó. Giờ bạn Lơ đã yên ổn với lớp học mới, hai vợ chồng tôi bắt đầu bước vào thử thách cam go nhất – tìm việc làm…
Phần tiếp theo: Chúng tôi tìm việc như thế nào?
Đọc thêm các bài liên quan:
- Hướng dẫn làm chứng nhận bằng cấp với WES
- Kinh nghiệm xin Lý lịch tư pháp số 2 ở Việt Nam
- Kinh nghiệm chuẩn bị Employment letter
Hướng dẫn làm hồ sơ Express Entry
- Tổng quan Định cư Canada diện tay nghề qua Express Entry
- Bước 1: Tự Đánh giá
- Bước 2: Thi IELTS và Chuyển đổi bằng cấp
- Bước 3: Tạo tài khoản Express Entry online
- Bước 4: Nhận ITA và nộp hồ sơ chính thức
- Bước 5: Theo dõi hồ sơ sau AOR và nhận PPR
- Bước 6: Đến Canada
- Hành trình của Thảo Nguyên